PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH GIÁ NGẪU NHIÊN (CONTINGENT VALUATION METHOD)

1. Tổng quan:

Phương pháp định giá ngẫu nhiên (Contingent valuation method - CVM) là phương pháp thường được sử dụng để định giá hàng hóa chất lượng môi trường. Phương pháp này đánh giá không dựa trên giá thị trường và được sử dụng đặc thù cho nhóm giá trị phi sử dụng. Bằng cách xây dựng những kịch bản thị trường giả định (hypothetical market), người ta xác định được hàm cầu về hàng hóa môi trường thông qua sự sẵn lòng chi trả (Willingness to pay - WTP) của người dân hoặc sự sẵn lòng chấp nhận khi họ mất đi hàng hóa đó (Willingness to accept - WTA). 

Một khi tình huống giả định đưa ra đủ tính khách quan, người trả lời đúng với hành động thực của họ thì kết quả của phương pháp là khá chính xác. Các nhà phân tích sau đó có thể tính toán mức WTP trung bình của những người được hỏi, nhân với tổng số người hưởng thụ giá trị hay tài sản môi trường thì thu được ước lượng giá trị mà tổng thể số dân chi trả cho tài sản đó.

2. Các bước thiết kế nghiên cứu CVM:

2.1. Xây dựng thị trường giả định (Setting up the hypothetical market)

Xây dựng kịch bản (valuation scenario) giả định cho các hàng hóa dịch vụ môi trường. Các kịch bản định giá này cần được xác định và mô tả rõ ràng, giải thích đầy đủ các hàng hóa dịch vụ môi trường được nói đến và bản chất của sự thay đổi. 

Mô tả các thuộc tính của hàng hóa, có thể (nên) sử dụng hình minh họa. 
Mô tả thị trường: đơn vị cung cấp, điều kiện cung cấp, ai sẽ hưởng lợi và bị thiệt hại? 
Phương thức thanh toán (payment vehicle): thanh toán như thế nào? Cá nhân hay hộ gia đình? Thời gian thanh toán? Cơ quan nào chịu trách nhiệm thu tiền? Phương tiện chi trả đạt yêu cầu nếu người được phỏng vấn tin là công bằng và có tính thực tế.

E.g., “Một toà nhà cổ ở trung tâm thành phố là một mẫu kiến trúc duy nhất từ giai đoạn những năm 1600. Mười năm qua nó đã hư hại nhiều do không được sửa chữa (đưa ra ảnh chụp trước và sau). Nếu không có sự can thiệp toà nhà sẽ càng xuống cấp và sẽ sụp đổ trong vòng 5 năm. Chính quyền địa phương sẽ phải chi trả một khoản tiền để phục hồi nguyên trạng của nó mười năm trước. Khoản tiền này sẽ được huy động bằng cách tăng thuế thu nhập”.

Bước này cũng cần xác định các khoản chi trả là bao nhiêu. Các khoản này thường được chi trả dưới dạng thuế, phí, giá thay đổi hoặc các khoản biếu tặng. Bước này đòi hỏi phải tạo ra kịch bản về phương tiện chi trả hoặc đền bù dưới hai dạng sau: 

Kịch bản đóng (close-ended): Một hệ thống giá trị tiền tệ được xây dựng từ thấp đến cao hoặc từ cao xuống thấp. Với dạng kịch bản này, chúng ta đã ấn định trước một mức giá cho người được hỏi lựa chọn lựa chọn. 

Kịch bản mở (open-ended): Trong kịch bản này không ấn định mức giá trước mà thay vào đó, người được hỏi sẽ đưa ra mức giá bao nhiêu tiền. 

2.2. Xác định các mức giá (Obtaining bids)

Có thể sử dụng các phương thức điều tra khác nhau bao gồm:

Phỏng vấn trực tiếp: gặp mặt để phỏng vấn (in-person interview) thông thường là cách thu được số liệu chất lượng cao nhất. Nếu có đủ khả năng/tài lực (resources) để huấn luyện cẩn thận cũng như giám sát các điều tra viên. Nhược điểm lớn nhất là cách này sẽ tốn kém hơn so với cách điện thoại hoặc gởi thư.

Phỏng vấn bằng thư/email: gởi thư là có ưu điểm là ít tốn kém so với cách gặp mắt để phỏng vấn. Nhược điểm: (1) tỷ lệ trả lời có thể rất thấp, (2) thứ tự/ quá trình đọc bảng câu hỏi của người được phỏng vấn không giám sát được, (3) người được phỏng vấn nếu mù chữ thì không trả lời thư được.

Phỏng vấn qua điện thoại: có ưu điểm: (1) ít tốn kém so với cách gặp mặt để phỏng vấn, (2) tiết kiệm thời gian, (3) tỷ lệ trả lời khá cao. Nhược điểm: (1) khó mô tả thông tin về tình huống giả định trên điện thoại; (2) thông thường người được phỏng vấn trả lời chỉ vui vẻ/muốn trả lời trong thời gian ngắn. Trong CVM, phỏng vấn qua điện thoại ít được lựa chọn nhất. 

Ngoài ra, còn có “time-to-think”, “drop-off”…

Mục đích của điều tra là xác định mức sẵn lòng chi trả lớn nhất để cải thiện môi trường (hoặc mức chi trả lớn nhất để ngăn chặn sự suy giảm chất lượng môi trường), ngoài ra là các thông tin về các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả điều tra như học vấn, thu nhập... 

Ngoài ra, các câu hỏi "follow-up" cũng cần được đưa vào xem xét để hiểu được động cơ phía sau của người được hỏi. E.g., “Bạn có nghĩ rằng các dịch vụ môi trường sẽ cải thiện chất lượng môi trường cho cộng đồng bạn không?”. Điều này giúp loại bỏ các câu trả lời "protest bids" hoặc không hợp lý.

2.3. Kết quả phân tích (The result of the analysis)

Các thông tin thu thập được sử dụng trong nhiều cách khác nhau cho nhiều mục đích khác nhau. Các đầu ra có thể thu được từ mỗi nghiên cứu CVM là:

WTP hay WTA trung bình

Giá (WTP hay WTA) thu thập được cho phép tính giá trung bình. Giá trung bình này được sử dụng để đánh giá nhanh giá trị của tài nguyên đối với một bộ phận dân cư. 

“Protest bids" thường được loại khỏi quá trình tính toán. Protest bids là các bids=0 do nhiều nguyên nhân khác nhau (trừ nguyên nhân là do bản thân của "hàng hóa dịch vụ" đó được đáp viên định giá là  0). Thay vì cho giá trị của nguồn tài nguyên bằng không thì giá phản đối được đặt bằng không. E.g., một người được hỏi từ chối chi trả cho việc bảo tồn một nguồn tài nguyên nhất định (bids=0) vì họ cho rằng chính phủ phải có trách nhiệm bảo tồn nguồn tài nguyên đó, hoặc đơn giản là người đó không muốn tham gia vào cuộc phỏng vấn. Như vậy yêu cầu đặt ra là phải nhận dạng và xử lý các số liệu ra khỏi quá trình tính toán bằng các câu hỏi "follow-up". 

Giá trung bình sẽ dễ dàng được tính toán hơn nếu sử dụng phương pháp điều tra “kịch bản mở”, còn nếu sử dụng “kịch bản đóng”, ví dụ như câu trả lời Có/Không, thì cần phải sử dụng các kỹ thuật kinh tế lượng để tính toán xác suất câu trả lời "Có" với mỗi một khoản tiền (bid) được đề nghị.

Đường giá (Bid curves)

Đường giá được xây dựng bằng cách sử dụng hồi quy kinh tế lượng. Lượng tiền WTP/WTA được coi là biến phụ thuộc, và thông tin về các biến số như thu nhập (I), tuổi (A), trình độ giáo dục (E) được thu thập trong quá trình điều tra được sử dụng như các biến độc lập.

Hàm hồi quy:    WTPi = f (Ii, Ei, Ai)   với i thể hiện giá trị quan sát thứ i.

Đường giá cho phép dự đoán được lượng tiền sẵn lòng chi trả khi có sự thay đổi của các biến độc lập. Ví dụ, “Mức lương cao hơn ảnh hưởng gì đến mức sẵn lòng chi trả cho cung cấp dịch vụ liên quan đến nước?”.

Số liệu tổng hợp (Aggregated data)

Tổng hợp là quá trình chuyển giá trung bình thành giá của một bộ phận dân cư. Quá trình tổng hợp giải quyết xung quanh 3 vấn đề:

Thứ nhất là sự lựa chọn "nhóm dân bị ảnh hưởng" phù hợp (relevant population). Mục tiêu là xác định (a) những ai bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hành động nâng cấp/làm xuống cấp “hàng hóa dịch vụ” môi trường, hoặc (b) những ai bị ảnh hưởng bởi hành động nâng cấp/làm xuống cấp “hàng hóa dịch vụ” môi trường. Nhóm này có thể là nhóm dân của địa phương, của vùng hoặc của một nước.

Thứ hai là vấn đề chuyển từ giá trị trung bình mẫu sang giá trị trung bình cho dân cư tổng thể. Nếu trung bình mẫu thực sự đại diện cho tổng dân cư thì nhân giá trị đó với số hộ gia đình sẽ ra giá trung bình tổng thể.

Thứ ba là chọn một khoảng thời gian (time period) nhất định để tổng hợp lợi ích. Việc lựa chọn này phụ thuộc vào bối cảnh áp dụng CVM. Nếu quan tâm đến giá trị hiện tại (Present value) của lợi ích môi trường, thì giá trị của dòng lợi ích môi trường được chiết khấu về thời điểm hiện tại.

3. Đánh giá phương pháp CVM

Làm cách nào để đánh giá nghiên cứu ứng dụng CVM có thành công hay không? Cần trả lời một
số câu hỏi như sau:
Có nhiều câu trả lời là “protest bids” không? Có dấu hiệu cho thấy đáp viên hiểu “thị trường giả định” (hypothetical market) đã được đưa ra trong bảng câu hỏi không? Đáp viên có biết nhiều về “hàng hóa” được hỏi không? 

E.g., nếu hỏi các đáp viên đang sống ở một khu yên tĩnh, giàu có là họ có sẵn lòng chịu đựng khi khai thác một hầm đá mới ở khu vực lân cận --> nhiều “protest bids” --> ứng dụng CVM bị thất bại. Tương tự, nếu hỏi các đáp viên về WTP để bảo tồn gấu trúc ở Trung Quốc có thể thiếu sự tin cậy nếu đáp viên không biết rõ về loài động vật này.

Chất lượng một nghiên cứu CVM phụ thuộc vào chất lượng của cả quá trình tiến hành. Ví dụ như sự chuẩn bị hay tiến hành điều tra. Bảng hỏi là một phần quan trọng trong đánh giá ngẫu nhiên, bởi vì hầu hết các kết luận của nghiên cứu đều dựa trên thông tin lấy được từ những người trả lời bảng phỏng vấn. Chính vì vậy, khi thực hiện bảng hỏi phải tuân theo nhiều yêu cầu ngặt nghèo như làm tuần tự từng bước một (peer-review), kiểm tra chéo giữa những người thực hiện (cross checking), điều tra thử (pretest), lấy phản hồi (feedback), từ đó rút kinh nghiệm, chỉnh sửa và đưa ra bảng hỏi chuẩn.

Nhưng trước đó, một việc rất quan trọng phải đặt ra là, mục tiêu của điều tra là gì? Xác định được rõ ràng điều này, câu hỏi của chúng ta sẽ tập trung bám sát những ý đã đặt ra, không bị phân tán, nông cạn. Sau khi thu thập xong tất cả thông tin, ta tính trung bình và trung vị của WTP/WTA. Những mức giá nào cao hoặc thấp đột biến có thể bỏ đi được. Còn với những biến số kinh tế xã hội của người trả lời, ta hồi quy với giá sẵn lòng chi trả để xem biến nào ảnh hưởng đến mức giá đó nhất. Sau đó ta có thể lấy mức giá trung bình nhân với tổng dân số ra tổng giá trị kinh tế của khu vực cần đánh giá. 

Năm 1973, Cơ quan quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã ban hành những hướng dẫn cần được tuân theo khi thực hiện CVM bao gồm:

(1) Nên phỏng vấn trực tiếp thay vì phỏng vấn qua điện thoại, nếu không thể thì phỏng vấn
qua điện thoại thay vì phỏng vấn qua thư.
(2) Nên tính WTP thay vì tính WTA nếu có thể. Do WTA được định giá quá cao.
(3) Nên sử dụng “the referendum format” thay vì “open ended questions”.
(4) CVM phải bắt đầu với kịch bản (a scenario) diễn tả chính xác, dễ hiểu các tác động của chương trình.
(5) Trong CVM phải có câu nhắc nhở đáp viên là WTP sẽ làm giảm thu nhập mà họ có thể sử dụng để trả cho các món hàng khác.
(6) Trong CVM phải có câu nhắc nhở đáp viên về các mặt hàng thay thế (substitutes) cho “hàng hóa” được đề cập trong bảng câu hỏi. E.g., nếu đáp viên được hỏi là họ có đồng ý phương án bảo vệ khu hoang dã hay không, họ sẽ được nhắc là các khu hoang dã khác đang tồn tại hoặc đang được xây dựng độc lập với khu hoang dã trong bảng câu hỏi.

NOAA guidelines bị chỉ trích là làm cho CVM trở nên quá tốn kém khi thực hiện. Đặc biệt là đề nghị cần phỏng vấn trực tiếp (in-person interviews). Tuy không có phương pháp “chuẩn” nào cho CVM, nhưng những hướng dẫn NOAA đã cung cấp một khung hướng dẫn tốt cho việc ứng dụng CVM.


4. Những ưu điểm và hạn chế của phương pháp CVM

4.1. Ưu điểm

Nổi trội so với các phương pháp đo lường trực tiếp khác (chi phí thiệt hại, liều lượng - đáp ứng…), CVM đánh giá được cả những giá trị tồn tại (existence value) và giá trị lựa chọn (option value), vì vậy nó được các nhà kinh tế học tương đối ưa thích. CVM không đòi hỏi phải chia vùng hay phân nhóm như TCM (phương pháp chi phí du lịch cũng thiết lập bảng hỏi như CVM) mà nó dựa trên những đánh giá hoàn toàn ngẫu nhiên, của một nhóm đối tượng cũng không mặc định. 

Người trả lời có thể không đến khu vực cần đánh giá, nhưng họ vẫn có thể đánh giá về chúng theo cảm nhận của mình (khác với TCM đòi hỏi đối tượng phải là khách du lịch đến địa điểm tham quan). 

Về nguyên tắc, không giống phương pháp gián tiếp, các câu trả lời đối với phương pháp CVM liên quan đến WTP và WTA, nó trực tiếp đo lường các giá trị bằng tiền. Vì vậy, các giá trị này khá chính xác về mặt lý thuyết

4.2. Hạn chế

Thực hiện CVM tưởng chừng không khó, nhưng hai vấn đề lớn sau đây rất dễ mắc phải, gây cản trở cho việc làm một nghiên cứu thành công, đó là:

Thứ nhất, về phía người trả lời: khi thực hiện mua bán một món hàng trên thị trường (e.g., 1 kg gạo, 1 thùng mì), người bán sẽ đưa giá thực dựa trên chi phí và lợi nhuận, người mua sẽ trả tiền thật dựa trên nhu cầu và ngân sách. Hàng hoá môi trường vốn đã không hiện hữu trên thị trường, nay lại được đặt trong một tình huống giả định, do người nghiên cứu nghĩ ra, buộc người đọc phải suy nghĩ và tưởng tượng. Có hai trường hợp xảy ra là: Họ không tưởng tưởng hết được những gì sẽ xảy ra trên thị trường thật hoặc họ hiểu được vấn đề và có ý định trả lời sai lệch. 

         (1) Trường hợp đầu, người trả lời không thực hiện những chuyển giao thực nên họ cũng không biết rõ nên đặt giá thế nào cho đúng, họ đưa ra bừa một mức giá mà vì thế, nếu đặt trong hoàn cảnh chuẩn, chưa chắc họ đã có những hành vi tương ứng. Người trả lời chưa chắc đã đủ kiến thức về khoa học tự nhiên và xã hội để hiểu các mức độ tác động của môi trường. Thêm nữa, họ cũng không có ý định phải suy nghĩ quá nhiều cho câu trả lời bởi nó cũng chẳng mang lại hiệu quả trực tiếp nào cho họ. 

        (2) Trong trường hợp sau, người trả lời có một suy nghĩ rằng, nếu họ trả lời đúng như mình nghĩ, mức giá đó có thể sẽ được áp dụng rộng rãi, vì vậy có thể vì động lực cá nhân nào đó, họ trả lời mức cao hoặc thấp hơn, không đúng với đánh giá thực của mình. Nhìn chung, CVM mang nhiều tính giả thuyết.

Thứ hai, về phía người hỏi: Từ những khâu như thiết kế bảng hỏi, chọn phương pháp chi trả, đặt kịch bản giả định, chọn kích thước mẫu đến cách tiếp cận người trả lời đều có thể gây ra sai lệch. Nếu đánh giá quy mô nhỏ, người nghiên cứu có thể tự đi lấy thông tin – tuy nhiên trường hợp này là hiếm vì thường hàng hoá môi trường có quy mô khá lớn và liên quan nhiều người. Khi đó, buộc người nghiên cứu phải đào tạo những điều tra viên, điều tra thử, chỉnh sửa bảng hỏi, lưu trữ khối lượng văn bản lớn… những việc này đều tiêu tốn khá nhiều nguồn lực. Đôi khi xong hết khâu thu thập dữ liệu, tính ra được WTP trung bình, tổng WTP, nhưng tổng này lại không phù hợp với thực tế thì ta lại phải xem lại mẫu đã chọn ban đầu.

----------------------------------
Reference:
Bolt, K., Ruta, G. and Sarraf, M., 2005. Estimating the cost of environmental degradation. [pdf] WB: The World Bank Environment Department. Available at: <http://siteresources.worldbank.org/INTEEI/214574-1153316226850/20781069/EnvironmentalDegradationManual.pdf> [Accessed 02 April 2018].




Nhận xét

  1. Cảm ơn anh/chú rất nhiều về bài viết ạ.

    Trả lờiXóa
  2. anh/chú ơi, chỗ đánh giá NOAA ấy ạ bị viết nhầm thành NOOA ạ.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét