ECOMODERNISM - “CHỦ NGHĨA HIỆN ĐẠI SINH THÁI”

Tháng 04 năm 2015, một nhóm bao gồm những nhà khoa học, nhà báo, nhà hoạt động môi trường tại Anh Quốc đã cho ra mắt bản tuyên ngôn (manifesto) của nhóm và tự nhận bản thân là những Ecomodernists. Điều này đã đánh dấu cho sự ra đời của một quan niệm triết học “post-environmentalism” (tạm dịch: hậu chủ nghĩa môi trường), đó là Ecomodernism (tạm dịch: chủ nghĩa hiện đại sinh thái).
Trước khi bắt đầu bàn luận về Ecomodernism, hãy cùng nhau nhìn lại hai nhóm quan điểm về tính bền vững, bao gồm Neoclassical Economics (Kinh tế học tân cổ điển)Ecological Economics (Kinh tế học sinh thái). Hai nhóm người này luôn tranh cãi cùng vấn đề: “Liệu vốn nhân tạo có thể thay thế được vốn tự nhiên hay không?”. Theo đó, các nhà kinh tế học tân cổ điển coi vốn tự nhiên và nhân tạo là có mối quan hệ thay thế cho nhau trong sản xuất. Họ được cho là những người lạc quan về kỹ thuật công nghệ, họ tin rằng khi tài nguyên trở nên khan hiếm (khi đó, giá cả sẽ tăng) thì con người sẽ tìm mọi cách tạo ra những vật thay thế chất lượng cao (nhằm hạ giá xuống). Ngược lại, nhóm các nhà kinh tế sinh thái lý luận rằng hai loại vốn nhân tạo và tự nhiên chỉ có mối quan hệ bổ sung cho nhau. Về cơ bản, nhóm kinh tế sinh thái là những người bi quan về công nghệ kỹ thuật, họ cho rằng chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng làm thay đổi cả một hệ sinh thái lớn và không thể phục hồi lại nguyên trạng ban đầu (chính vì sự phức tạp và rối ren giữa hai quan điểm về kinh tế và sinh thái này nên nhóm này tự nhận mình là những Nhà kinh tế sinh thái) [6].
Quay trở lại chủ đề ban đầu, là những người lạc quan về khoa học công nghệ và trí tuệ, các ecomodernists bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ rằng Trái đất đang bước vào một kỷ nguyên mới – đó là kỷ nguyên của Anthropocene, Age of humans (Nhân sinh, kỷ nguyên của loài người) - Con người làm chủ tự nhiên, là một phần của tự nhiên và liên tục biến đổi nó. Trong bản tuyên ngôn của mình, những ecomodernists cũng chia sẻ rất nhiều mục tiêu về phát triển bền vững giống như những nhà hoạt động môi trường truyền thống (hay những người theo quan điểm Environmentalism). Tuy nhiên, dưới quan điểm của mình – họ cho rằng nhân loại phải thu nhỏ những tác động của nó lên môi trường để tạo thêm chỗ cho thiên nhiên, trong khi phản bác lại quan điểm của chủ nghĩa kinh tế sinh thái, rằng xã hội loài người phải sống hài hòa với thiên nhiên để tránh sự sụp đổ của cả kinh tế và sinh thái.
Cụ thể hơn, những ecomodernists hoạt động trái ngược với cách thức mà các nhà hoạt động theo chủ nghĩa môi trường đang tiến hành, điều này làm liên tưởng đến sự tương phản của hai quan điểm bền vững của kinh tế học tân cổ điển và kinh tế sinh thái. Thay vì kêu gọi các quốc gia giới hạn tăng trưởng và giảm phát triển (Degrowth), những ecomodernists lại ủng hộ cho một sự phát triển nhanh hơn và hiện đại hơn. Thay vì kêu gọi con người trở về với tự nhiên (Back to nature), những ecomodernists cỗ vũ cho sự “tách rời tích cực, có ý thức và càng tăng tốc” (Active, conscious, and accelerated decoupling) của con người khỏi tự nhiên. Trái ngược với phong trào trở về với đất đai (Back to the land) và chủ nghĩa nông điền (Agrarianism), họ ủng hộ quá trình đô thị hóa. Họ phản bác và chỉ trích hàng loạt các quan điểm mà họ coi là không hiệu quả, tốn kém và thiếu cơ sở khoa học (trong đó bao gồm: các dạng năng lượng tái tạo, thực phẩm hữu cơ). Ngược lại, họ bày tỏ sự ủng hộ to lớn đối với việc thâm canh trong sản xuất nông nghiệp (agricultural intensification), sản xuất thực phẩm biến đổi gen (Genetically-modified organism), khử muối (Desalination), đầu tư cho năng lượng hạt nhân, và sử dụng các biện pháp can thiệp vào khí hậu (Climate geo-engineering).
Tuy nhiên, hầu hết các nhà sinh thái học chính trị (political ecologists), hay thậm chí là những người mang tư duy hiện đại nhất trong số họ cũng cảm thấy có phần lo ngại với bản tuyên ngôn của Ecomodernism về năng lượng hạt nhân, nông nghiệp biến đổi gen và những biện pháp cạn thiệp vào khí hậu. Họ cho rằng, bản tuyên ngôn nếu không có phần “eco” (sinh thái) thì cũng sẽ trở thành một quan niệm hiện đại hóa (Modernism) thuần túy, và cũng không quên cáo buộc bản tuyên ngôn của ecomodernism chỉ là một sự xáo trộn có chủ đích giữa những khái niệm. Và để biện minh cho điều này, các ecomodernists phản bác lại rằng việc sử dụng công nghệ hiện đại hơn, nhanh và mạnh hơn sẽ giúp giải phóng không gian và nguồn lực để bảo tồn vùng tự nhiên hoang dã, thay vì phải sống hòa hợp với các khu bảo tồn sinh thái đó.
Trong An Ecomodernist Manifesto, các tác giả trình bày các quan sát và lập luận nhằm ủng hộ và củng cố cho quan điểm của họ. Thay vì nhìn nhận một cách u ám về sự phát triển của thế giới, họ khẳng định rằng “thế giới đang phát triển ngày một tốt hơn” và chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong thế kỷ qua. Hầu như các mặt phúc lợi xã hội đều không ngừng tăng lên như: tuổi thọ trung bình tăng, bạo lực – chiến tranh – dịch bệnh – thiên tai – tỷ lệ tử vong (đặc biệt là ở trẻ em) – nghèo đói đã giảm đáng kể, các phúc lợi về giáo dục – y tế - bình đẳng giới – nhân quyền đều đang dần được cải thiện không ngừng nghỉ. Dù vậy, các ecomodernists cũng không quên đề cập về những hệ lụy của những sự phát triển trên bao gồm: sự suy thoái về tự nhiên, nhiều loài sinh vật tuyệt chủng và hàng loạt các vấn đề về môi trường mà con người đang phải đương đầu [1].
Mặc khác, việc hiện thực hóa các lý tưởng của những ecomodernists một cách toàn diện sẽ đòi hỏi sự nắm bắt đầy đủ các giá trị sinh thái, giá trị xã hội với độ tin cậy cao; và chấp nhận các nghĩa vụ chính trị ở mức độ dày đặc trong cả cộng đồng các quốc gia và toàn cầu. Hơn thế nữa, chủ nghĩa hiện đại sinh thái hiện đang thiếu một hướng dẫn đầy đủ về cách mà một xã hội “phân tách” (separate) thành công khỏi thiên nhiên, nhưng vẫn có thể nuôi dưỡng các giá trị xanh (green values); hay làm thế nào để đảm bảo sự tự do của những cá thể dễ bị tổn thương trong thời kỳ tiến hành làm tổn thương nghiêm trọng đến khí hậu, môi trường? [7].
Tạm kết luận: Đây là vấn đề vẫn còn gây ra những tranh luận sôi nỗi giữa những quan điểm phát triển khác nhau. Mỗi quan điểm đều có những cơ sở lý luận và thế giới quan riêng của mình. Và việc xét xem quan điểm nào là đúng, quan điểm nào là sai không phải là một câu hỏi có thể dễ dàng trả lời.
Tài liệu tham khảo:
[2] Caradonna, J. L. et al. (2015). A Degrowth response to an ecomodernist manifesto. Retrieved from: https://www.resilience.org/stories/2015-05-06/a-degrowth-response-to-an-ecomodernist-manifesto/
[3] Vansintjan, A. (2018). Where’s the “eco” in ecomodernism?. Retrieved from: https://www.redpepper.org.uk/wheres-the-eco-in-ecomodernism/
[4] Hickel, J. (2018a). The magical thinking of ecomodernism. Retrieved from: https://www.jasonhickel.org/blog/2018/4/4/the-magical-thinking-of-ecomodernism
[5] Hichel, J. (2018b). Ecomodernism and the sacred shibboleth. Retrieved from: https://www.jasonhickel.org/blog/2018/5/15/ecomodernism-and-the-sacred-shibboleth
[6] Goodstein, E. S. (1995). Economics and the environment. Prentice Hall, Inc., New Jersey.
[7] Symons, J., & Karlsson, R. (2018). Ecomodernist citizenship: rethinking political obligations in a climate-changed world. Citizenship Studies, 22(7), 1-20. DOI:10.1080/13621025.2018.1508414

Nhận xét