FOOD SOVEREIGNTY - CHỦ QUYỀN LƯƠNG THỰC

Trong hơn ba thập kỉ vừa qua, hàng triệu nông dân quy mô vừa và nhỏ trên khắp thế giới đã bị “đuổi” khỏi đất đai của chính họ bởi các chính sách của chính phủ trong việc mở đường cho các tập đoàn tư bản về kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn tham gia sản xuất thực phẩm cho mục đích xuất khẩu. Đồng thời, việc nhập khẩu thực phẩm giá rẻ cũng đã phá hủy thị trường thực phẩm ở cấp độ địa phương và quốc gia. Kết quả là nhiều quốc gia hiện không còn khả năng sản xuất, tiếp thị thực phẩm của họ; và dần trở nên phụ thuộc vào việc nhập khẩu thực phẩm từ bên ngoài.

Tuy nhiên, hiện tại chi phí sản xuất thực phẩm theo quy mô công nghiệp hiện đang tăng cao do chi phí đầu vào (như hóa chất nông nghiệp, xăng dầu) ngày càng tăng và tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan (như hạn hán, lũ lụt). Giá lương thực tăng cũng đang gây áp lực buộc các nhà sản xuất tư bản phải tăng lương cho nhân công của họ, và điều này đồng nghĩa với việc họ phải chịu giảm lợi nhuận của mình. Do đó, các chính phủ (đặc biệt là phương Tây) đang tìm cách cải thiện lợi nhuận của các ngành công nghiệp tư bản của họ bằng cách tìm kiếm các nguồn thực phẩm rẻ hơn thông qua việc kích thích sự phục hồi toàn cầu của nông dân canh tác quy mô gia đình mà họ đã phá hủy trước đây.

Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ XX, các tổ chức của nông dân, gia đình nông dân, công nhân nông trường, người bản địa, nông dân không có đất, phụ nữ và thanh niên nông thôn đã bắt đầu thành lập các liên minh nhằm phát triển những hình thức nông nghiệp thay thế dựa trên các nguyên tắc sinh thái, tôn trọng thiên nhiên, văn hóa bản địa và kiến ​​thức canh tác truyền thống. Trên nguyên tắc đó, tổ chức nông dân quốc tế La Via Campesina đã được ra đời, và họ đã bắt đầu thúc đẩy phong trào này thông qua việc chính thức giới thiệu thuật ngữ Food Sovereignty (sau đây dịch là: chủ quyền lương thực) tại Hội nghị thượng đỉnh về Lương thực Thế giới năm 1996. Từ đó, chủ quyền lương thực đã nhanh chóng chuyển mình từ những cuộc đối thoại bên lề thành một chủ đề có sức nặng hơn tại các diễn đàn quốc tế về phát triển và an ninh lương thực.

Sau đây, chủ quyền lương thực sẽ được xác định dựa trên định nghĩa đầy đủ của Via Campesina trong tuyên bố Nyéléni (Mali) năm 2007:

“Chủ quyền lương thực là quyền của các nhóm người trong việc tiếp cận với nguồn thực phẩm lành mạnh và phù hợp về mặt văn hóa bản địa; cụ thể là thực phẩm được sản xuất thông qua các phương pháp bền vững về mặt sinh thái. Nó còn là quyền được định đoạt các hệ thống sản xuất lương thực và nông nghiệp của riêng họ. Chủ quyền lương thực đặt nguyện vọng và nhu cầu của những người sản xuất, phân phối và tiêu thụ thực phẩm vào trung tâm của những hệ thống và chính sách lương thực; thay vì là nhu cầu của thị trường và các tập đoàn.

Khái niệm này được tạo ra để bảo vệ lợi ích và sự bao trùm lên các thế hệ tương lai. Nó đưa ra một chiến lược nhằm chống lại và phá bỏ các “đế chế” tập đoàn về lương thực và thương mại hiện tại. Thêm vào đó, nó sẽ cung cấp những định hướng cho hệ thống sản xuất lương thực, nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản được vận hành bởi các nhà sản xuất địa phương. Chủ quyền lương thực dành sự ưu tiên cho các nền kinh tế và thị trường ở quy mô địa phương và quốc gia. Đồng thời, nó trao quyền cho nông dân và gia đình của họ - những người sống dựa vào nông nghiệp, đánh bắt thủy sản theo phương thức thủ công, chăn thả gia súc và sản xuất - phân phối - tiêu dùng thực phẩm dựa trên sự bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế.

Chủ quyền lương thực thúc đẩy sự minh bạch trong thương mại, đảm bảo thu nhập cho mọi người và quyền của người tiêu dùng trong việc kiểm soát thực phẩm và dinh dưỡng của họ. Nó đảm bảo rằng các quyền sử dụng và quản lý (đối với đất đai, lãnh thổ, vùng nước, hạt giống, vật nuôi và đa dạng sinh học) sẽ nằm trong tay của những người sản xuất thực phẩm của chúng ta. Chủ quyền lương thực bao hàm các quan hệ xã hội mới mà ở đó không có áp bức và bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa con người, giữa các nhóm chủng tộc, giữa các tầng lớp xã hội và giữa các thế hệ.”

Chủ quyền lương thực là một cách tiếp cận tập trung vào người dân và cộng đồng, dựa trên 6 trụ cột chính bao gồm:

  • Tập trung vào thực phẩm cho con người:  Chủ quyền lương thực đặt quyền được có đủ thực phẩm lành mạnh và phù hợp với văn hóa cho tất cả mọi người vào trọng tâm của các chính sách lương thực, nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Nó cũng bác bỏ đề xuất rằng thực phẩm chỉ làm một hàng hóa hoặc một thành phần cho kinh doanh nông nghiệp quốc tế.
  • Xem trọng các nhà cung cấp thực phẩm: Chủ quyền lương thực coi trọng và ủng hộ những đóng góp và quyền lợi của phụ nữ và nam giới – những người tham gia canh tác, chăm sóc, thu hoạch và chế biến thực phẩm (gồm: nông dân, nông dân quy mô gia đình, người chăn nuôi, ngư dân, cư dân rừng, dân tộc bản địa và công nhân nông nghiệp, ngư nghiệp và bao gồm cả người di cư); và bác bỏ những chính sách, hành động và chương trình đánh giá thấp họ, đe dọa sinh kế của họ và loại bỏ họ khỏi hệ thống thực phẩm.
  • Địa phương hóa các hệ thống thực phẩm: Chủ quyền lương thực mang các nhà cung cấp thực phẩm và người tiêu dùng đến gần nhau hơn; đặt họ vào trung tâm của các quá trình ra quyết định để tạo ra mối quan hệ win-win. Cụ thể, nó sẽ bảo vệ bên cung cấp thực phẩm khỏi việc bán phá giá tại các thị trường địa phương, và bảo vệ bên tiêu dùng khỏi thực phẩm kém chất lượng, không lành mạnh, không phù hợp và thực phẩm biến đổi gen.
  • Đặt sự kiểm soát ở cấp độ địa phương: Chủ quyền lương thực tôn trọng quyền của các nhà cung cấp thực phẩm trong việc kiểm soát đất đai, hạt giống, vật nuôi, đàn cá và vùng nước của họ. Các nhà cung cấp thực phẩm có thể sử dụng và chia sẻ  chúng theo cách thân thiện với môi trường, sinh thái, và bảo tồn sự đa dạng. và bác bỏ việc tư nhân hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nó cũng thúc đẩy sự tương tác tích cực giữa các nhà cung cấp thực phẩm ở các vùng và lãnh thổ khác nhau và từ các lĩnh vực khác nhau, giúp giải quyết các mâu thuẫn hoặc xung đột nội bộ với chính quyền địa phương và quốc gia. Ngoài ra, nó bác bỏ việc tư nhân hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua luật, hợp đồng thương mại và các chế độ quyền sở hữu trí tuệ.
  • Xây dựng kiến thức và kỹ năng: Chủ quyền lương thực được xây dựng từ việc chia sẻ kỹ năng và kiến thức bản địa, những thứ đã được bảo tồn, phát triển và quản lý qua nhiều thế hệ để sản xuất, thu hoạch thực phẩm bền vững. Phát triển các hệ thống nghiên cứu thích hợp để hỗ trợ điều này và truyền lại cho các thế hệ tương lai. Ngoài ra, nó cũng từ chối sự can thiệp của các công nghệ làm suy giảm và đe dọa sức khỏe và môi trường (ví dụ như công nghệ biến đổi gen).
  • Làm việc với tự nhiên: Chủ quyền lương thực tập trung vào các phương pháp sản xuất và thu hoạch nhằm tối đa hóa sự đóng góp của hệ sinh thái, tránh những hình thức sản xuất tốn kém và độc hại (ví dụ như độc canh, đánh bắt tận diệt, sản xuất quy mô công nghiệp), đồng thời nâng cao khả năng phục hồi của hệ thống thực phẩm bản địa trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Các chính sách chủ quyền lương thực tiềm năng cho cộng đồng của chúng ta là gì?

  • Công bằng về giá cho những người nông dân được đảm bảo thông qua: (i) giá sàn của các hàng hóa đảm bảo bù đắp được chi phí sản xuất và trả cho nông dân một mức giá hợp lý cho hàng hóa của họ. (ii) dự trữ hàng hóa (có thể dự trữ) để bảo đảm an ninh lương thực trong thời kỳ khan hiếm và ổn định giá cả trong thời kỳ được mùa. (iii) dự trữ hàng hóa hỗ trợ việc cho đất sản xuất “nghỉ ngơi” khi sản lượng quá dồi dào (tránh việc sản xuất quá mức dẫn đến giá thấp và gây căng thẳng không cần thiết cho môi trường).
  • Các chương trình môi trường gắn liền với mức độ sản xuất: Phương thức này trao thưởng cho các phương pháp canh tác bền vững. Trong khi đó, các chương trình hiện tại chỉ buộc những người đóng thuế phải trợ cấp cho một số người gây ô nhiễm nước, thực phẩm, đất và không khí lớn nhất.
  • Các chương trình thực phẩm cộng đồng mạnh mẽ: Tăng tài trợ cho việc mua sắm thực phẩm của địa phương, các khu vườn cộng đồng và các chương trình từ nông trại đến bàn ăn, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo.
  • Tăng tài trợ cho nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và bền vững, hỗ trợ kỹ thuật và tín dụng để hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ canh tác thông thường sang canh tác hữu cơ.
  • Bắt buộc “Ghi nhãn xuất xứ” (Country of Origin, C.O.O.) đối với các sản phẩm, cá và thịt, để cho người tiêu dùng thực phẩm biết được nơi thực phẩm của họ được trồng, thu hoạch và chăn nuôi.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Nhận xét